Vì sao trẻ em nên chơi cờ vây?

Vì sao trẻ em nên chơi cờ vây?

Cờ vây là một trò chơi phù hợp để phát triển tính cách và thói quen ứng xử đúng mực ở trẻ em.

Với luật chơi đơn giản nhưng tinh tế, cờ vây còn được biết đến như là một nét đẹp văn hóa Đông phương vì những triết lý giàu tính nhân văn được truyền tải trong mỗi nước đi. 

Song song với việc thưởng thức ván đấu, trẻ em còn được học các quy tắc ứng xử trong cờ vây, qua đó xây dựng thói quen ứng xử đúng mực và dần phát triển tính cách.

aa.png

Những quy tắc ứng xử cần thiết ở người chơi cờ Ngoài kỹ thuật chơi, một kỳ thủ cờ vây còn phải biết các quy tắc ứng xử và các thái độ đúng mực khi chơi cờ. Đó là lý do kỳ thủ cờ vây luôn được đánh giá cao ở các nước có nền cờ vây phát triển, đặc biệt là Nhật Bản, một đất nước giàu văn hóa. Một số quy tắc trẻ cần được học từ sớm khi mới tiếp xúc với cờ vây:

Về lễ nghi:

- Tư thế vững chắc, nghiêm túc.  - Đặt quân cờ nhẹ nhàng, gọn ghẽ. - Lễ độ, chào hỏi đối thủ trước và sau trận đấu, thể hiện sự tôn trọng. - Không hối hả, làm việc riêng trong trận đấu. - Không được phép can dự vào ván cờ của người khác. - Quân đã đi thì không rút lại.  - Tôn trọng dụng cụ chơi cờ. Chơi xong cất giữ cẩn thận, ngay ngắn.

Về thái độ và tính cách:

- Thắng không kiêu, bại không nản. - Mạnh không sợ, yếu không khinh. - Cầu thị, lạc quan. - Giữ bình tĩnh và tập trung dù đang thắng hay thua. - Suy nghĩ kỹ, quyết đoán, nếu hối hận thì khó chơi cờ. - Nước đi ngay thẳng, giữ công bằng. - Muốn tiến bộ, phải chăm chỉ luyện tập.

Cờ vây đem đến nhiều bài học cuộc sống Rất nhiều kỳ thủ, dù có chơi cờ thường xuyên hay không, đều thừa nhận rằng cờ vây đem lại nhiều triết lý đẹp, giúp họ đưa ra nhiều quyết định lớn/nhỏ trong cuộc đời. Cờ vây, ở một số khía cạnh, có thể xem như là một mô hình giả lập của cuộc sống. 

- Sự phức tạp nằm trong vẻ ngoài đơn giản: Hai màu quân đen trắng, với những quân cờ giống hệt nhau, chơi trên một bàn cờ tối giản, ấy vậy mà cờ vây lại đem đến một thế giới đẹp đẽ và rộng lớn đến vô cùng. Đó là cách các bậc hiền triết phương Đông nhìn nhận về thế giới: Thuyết âm dương, với chỉ hai thực thể đối lập ban đầu mà tạo nên toàn bộ vũ trụ. - Sự hài hòa là chìa khóa:  Ta có thể chiến thắng trong một trận cờ vây bằng sự hài hoà, cân bằng lực lượng giữa hai bên, thay vì nhắm đến việc tiêu diệt quân đối phương. Sự hài hòa cũng là điều mà người chơi cần duy trì giữa các đám quân của mình, sự hài hòa là chìa khóa quyết định mỗi quân cờ có đem lại hiệu quả tối đa đến toàn cục không. - Tầm quan trọng của liên kết: Trong cờ vây, bạn gần như có thể đặt quân cờ ở bất kỳ điểm nào trên bàn cờ, nhưng quân cờ sẽ bị “bắt” (lấy ra khỏi bàn cờ) khi bị vây kín. Một đám quân lớn và liên kết chặt chẽ thì khó bị bao vây. Điều này dạy trẻ một cái nhìn về sự liên kết: Chúng ta có thể làm mọi việc mình thích, nhưng cũng cần quan tâm đến mối quan hệ của mình đối với mọi người xung quanh, tránh bị cô lập và loại khỏi cuộc chơi.  - Bỏ cái nhỏ để giành đại cục: Cờ vây trọng thế cờ hơn lợi quân số. Rất nhiều khi ta phải bỏ qua một đám quân (dù lớn hay nhỏ) để ưu tiên chiếm vị trí chiến lược.  - Tình hình luôn có thể xấu đi, vấn đề là phải tìm cách vượt qua: Cờ vây phức tạp không thua gì cuộc sống, khi ta đang có một thế cờ “trên cơ”, không gì có thể đảm bảo ta được lợi mãi, và ngược lại. Nếu đã quen với những lúc rơi vào tình thế bất lợi trong cờ vây, người chơi sẽ dễ dàng giữ được sự bình tĩnh và kiên trì, chờ đợi thời điểm lật ngược thế cờ, thay vì cứ phải rầu rĩ và tiếc nuối vì những sai lầm không thể thay đổi mà mình đã thực hiện. - Luôn đặt mình vào vị trí của người khác: Cờ vây là trò chơi giữa hai người, ta không thể nào chơi cờ một mình, mà phải suy nghĩ đến sự tồn tại và hoạt động của đối phương, tùy tiện làm theo ý mình muốn sẽ làm mình thất bại. Cờ vây có thể khiến trẻ em học được cách nhìn sự vật từ góc nhìn của người khác, một điều đặc biệt có lợi. Về lí trí, bé có cái nhìn khách quan hơn, về tình cảm, bé biết chia sẻ hơn.

aa.jpg

Cờ vây cũng giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng như các trò chơi trí tuệ khác. Chơi là cách tốt nhất để trẻ học hỏi về thế giới xung quanh, trong đó có các môn thể thao trí tuệ. Qua những trò chơi này, trẻ sẽ học được cách tương tác với xã hội xung quanh, đặc biệt có thể phát triển những kỹ năng cần thiết: 

- Tính tập trung: Các môn thể thao trí tuệ đều đòi hỏi người chơi phải giữ tập trung trong suốt trận đấu.

- Thói quen ghi nhớ: Các kỳ thủ sẽ ứng dụng kiến thức của mình vào quá trình lựa chọn các nước đi. Trẻ cũng cần phải nhớ các nước trong trận đã chơi để cùng thầy cô xem xét và rút ra các bài học.

- Sự sáng tạo: Với vô vàn tình huống có thể xảy đến trong một ván cờ, trẻ em không thể chỉ dựa vào những bài học có sẵn trước đó mà luôn phải tìm ra nước đi sáng tạo và hiệu quả nhất trong mọi tình huống.

- Kỹ năng quan sát:  Trong đó bao gồm quan sát ở phạm vi lớn để đánh giá tình hình chung và quan sát thế trận cục bộ để tìm cách xử lý hiệu quả nhất.

- Khả năng kiểm soát và tự lập: Người chơi các môn thể thao trí tuệ sẽ học được cách kiểm soát tình thế, thay vì trông chờ vào số phận. Trẻ trở thành những “vị tướng” với đầy đủ uy quyền và trách nhiệm của mình.

- Khả năng tưởng tượng kèm suy luận logic: Người chơi sẽ học cách dự đoán trước các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, dựa vào khả năng tưởng tượng nước đi sẵn trong đầu, suy luận lôgic, và cả trực giác.

- Ý thức chiến lược: Các trò chơi trí tuệ không chỉ đòi hỏi ở người chơi cách giải quyết các vấn đề trước mắt mà còn phải luôn tính đến các mục tiêu dài hạn.

- Ngăn nắp và linh hoạt: Người chơi sẽ học cách lập kế hoạch, phải có nhiều hơn một kế hoạch, hoặc nhận ra giữa chừng là có thể có một kế hoạch tốt hơn.

- Tinh thần thượng võ: Trẻ em thường rất hiếu thắng. Để tiến bộ, trẻ cần phải học được tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, cũng như cách tôn trọng đối thủ.

Cờ vây bổ trợ cho các môn học chính khóa - Toán: Bất kỳ đứa trẻ năm tuổi nào chơi một trò chơi 9x9 sẽ cần các kỹ năng đếm để tìm ra người chiến thắng. Kỹ năng cộng và nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện, đặc biệt là trên bàn lớn hơn, do cần tính tổng số điểm từ các lãnh thổ riêng biệt, sau khi sắp xếp theo hình chữ nhật. Học cách xác định tọa độ di chuyển củng cố các kỹ năng đọc đồ thị. 

- Văn học và nghệ thuật: Cờ vây xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, đại diện cho những triết lý nhân sinh của phương Đông. Cờ vây được xem là một trong bốn bộ môn nghệ thuật lớn nhất theo Trung Quốc xưa: Cầm, kỳ, thi, họa. - Khoa học, công nghệ: Cờ vây là một thách thức lớn mà Google đã lựa chọn để nghiên cứu trí thông minh nhân tạo. Các quốc gia và công ty công nghệ lớn trên thế giới cũng nghiên cứu về nó, ví dụ như Facebook và Tencent.

Những nghiên cứu liên quan - Trẻ nhỏ phát triển nhanh hơn: Nhà nghiên cứu Hàn Quốc Baromi Kim đã chia 64 học sinh lớp 1 thành hai nhóm. Một nhóm có học cờ vây, nhóm kia thì không. Cô thấy rằng nhóm chơi cờ vây tiến bộ nhanh hơn trong các môn học khác, theo nhiều cách có thể đo lường được.  - Chơi cờ vây cần sử dụng cân bằng hai bán cầu não: đây là kết luận của một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc do Xiangchuan Chen dẫn đầu đã đo chức năng não của người chơi cờ vây trong khi chơi. 


Bài viết liên quan:

DANH NGÔN CỜ VUA

Emanuel Lasker