Top 10 thế giới đa phần đều dưới 30 tuổi
Ở Việt Nam, ngoài giải HDBank ra thì hiện chưa có giải tầm vóc quốc tế nào được tổ chức để các kỳ thủ Việt Nam có thể thi đấu kiếm tiền. Đó là một thiệt thòi không nhỏ đối với các kỳ thủ chuyên nghiệp. Muốn kiếm tiền thưởng họ phải sang các nước khác để thi đấu. Điều này đòi hỏi lực cờ của họ đủ khả năng tranh chấp, có nguồn tài chính lớn để trang trải chi phí. Còn một cách nữa là họ có thể mở lớp dạy học vì nhu cầu học cờ vua, phát triển trí tuệ cho trẻ là rất lớn.
Bất cứ ai muốn giỏi về một lĩnh vực nào đó thì phần lớn cũng mất một khoảng thời gian khá dài. Theo như tiêu chuẩn được đưa ra bởi cường quốc cờ vua Xô Viết thập niên 80, muốn trở thành đại kiện tướng cờ vua (Elo trên 2500) thì bạn cần khoảng 10 năm và mỗi ngày dành ít nhất 6 tiếng đồng hồ cho nó.
Những thần đồng thế giới, nay đã thành danh như Magnus Carlsen, Sergey Karjakin, Wei Yi, Anish Giri đều đến với cờ vua trong độ tuổi 5, 6. Họ đều trở thành đại kiện tướng trước 15 tuổi, qua ngưỡng Elo 2600 trước 16 tuổi. Công thức thành công chung của họ là đều được định hướng từ gia đình, hỗ trợ từ các nhà tài trợ, trường học, lãnh đạo các cấp có liên quan bên cạnh tài năng thiên bẩm.
Giải HDBank là giải đạt quy mô đẳng cấp hàng đầu châu Á duy nhất ở Việt Nam hiện nay
Cờ vua Việt Nam chúng ta không thiếu những tài năng nhưng rồi phần lớn những tài năng ấy dần thui chột theo thời gian, trong khi ở các nước khác có nền cờ vua mạnh như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc thì tài năng của họ như đâm chồi nảy lộc theo năm tháng.
Chỉ mới đây thôi, đất nước Ấn Độ “cái nôi của cờ vua thế giới” công bố họ đã có đại kiện tướng thứ 61. Nhìn họ và ngẫm đến ta, đến nay Việt Nam mới chỉ có vỏn vẹn 10 đại kiện tướng. Tất nhiên họ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển cờ vua. Nhưng chúng ta có bao giờ nghĩ vì sao ở lứa tuổi nhỏ ta có thể cạnh tranh sòng phẳng với họ nhưng càng lớn lên thì các kỳ thủ ta lại thua kém họ?
Việt Nam là một đất nước thu nhập thấp nhưng lại sản sinh những học sinh làm tốt các bài kiểm tra chuẩn hóa quốc tế không thua gì học sinh các nước phát triển nhất thế giới. Nhiều nghiên cứu của các học giả quốc tế cho thấy năng lực vượt trội của trẻ em Việt Nam đã bắt đầu từ rất sớm khi mới 5 tuổi. Ở các giải Olympic quốc tế như toán, vật lý, hóa học, sinh học hay tin học chúng ta đều có những học sinh đoạt giải cao.
Điểm TIMMS (đánh giá về toán học và nghiên cứu khoa học) so với GDP đầu người thực tế (theo chuẩn WDI) của học sinh Việt Nam
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng sự đầu tư cho giáo dục cùng truyền thống văn hóa chính là một phần nguyên nhân dẫn đến sự vượt trội của học sinh Việt Nam. Đó cũng là lý do giải thích vì sao các bậc cha mẹ họ không muốn con cái dành hoàn toàn thời gian vào cờ vua.
Tôi đem những thắc mắc này trao đổi với tiến sĩ – bác sĩ Rajni Kanth, cha của thần đồng Gukesh D (đại kiện tướng trẻ nhì thế giới khi mới 13 tuổi, 7 tháng, 17 ngày). Ông cho biết ở Ấn Độ cũng như Việt Nam, họ cũng rất coi trọng việc học. Nhưng đôi khi phải đánh đổi nếu như chúng ta muốn giỏi về một lĩnh vực nào đó.
Sau khi Gukesh D đạt mức Elo 1800 và là học sinh giỏi đứng đầu trường vào năm 2015 (lúc đó Gukesh 9 tuổi) thì gia đình quyết định cho Gukesh dành toàn bộ thời gian cho cờ vua và chỉ xuất hiện ở các kỳ thi. Điều này có sự hỗ trợ kịp thời của nhà trường cho những tài năng đặc biệt. Hiện nay đôi khi Gukesh D phải bỏ lỡ kỳ thi khi bận đấu giải quốc tế. Trước đó Gukesh chỉ có 2 tiếng cho cờ vua thì nay, em luyện cờ ít nhất 4-6 tiếng mỗi ngày (trong đó cũng có việc chơi cờ online). Thầy dạy của Gukesh là một đại kiện tướng quốc tế nhiều kinh nghiệm.
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong thành công của thần đồng Gukesh D
Ông nói: “Cả tôi và vợ tôi đều là bác sĩ. Khi chúng tôi thấy niềm đam mê và sự tập trung của Gukesh D vào cờ vua, chúng tôi chỉ muốn trao cơ hội cho Gukesh D trong một vài năm và xem mọi thứ diễn ra như thế nào. Cậu ấy được học tại nhà với những môn học quan trọng nhưng không bắt buộc phải đi thi và chắc chắn sẽ tham gia nhiều hơn vào học kỳ khi Gukesh D lên lớp 10. Vì vậy đến năm 2021, Gukesh vẫn sẽ tập trung hoàn toàn vào cờ vua và sau đó học một khóa học hoặc môn học nào đó phụ thuộc vào thành tích mà Gukesh đạt được trong cờ vua vào thời điểm đó”.
Chạnh lòng khi nhìn về trường hợp Nguyễn Anh Khôi. Từng gây sốt với người hâm mộ cờ vua khi đoạt HCV U10, U12 thế giới nhưng nay đã gần 18 tuổi vẫn chưa đạt được danh hiệu đại kiện tướng. Phải chăng việc lấn cấn giữa trở thành bác sĩ hay trở thành một kỳ thủ chuyên nghiệp đã làm cho sức tiến của Khôi chậm lại?
Nguyễn Anh Khôi vẫn chưa kiếm được chuẩn GM nào
Rồi mới đây trường hợp của Nguyễn Lê Cẩm Hiền, con gái của đại kiện tướng Nguyễn Anh Dũng. Khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2015 cho thấy sự phát triển rất tốt của cháu, đỉnh điểm là chức vô địch cờ vua trẻ thế giới 2015 lứa tuổi U8. Nhưng khoảng thời gian hiện nay khi Cẩm Hiền lên 12 tuổi thì bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Ở lứa tuổi U12 tại Việt Nam thì Cẩm Hiền vẫn là số 1 nữ với Elo 16XX, tuy nhiên so với đám bạn cùng lứa ở nước trên thế giới thì Cẩm Hiền hiện đang xếp 77. Kỳ thủ đứng đầu nhóm này đã có chuẩn kiện tướng nữ FIDE với Elo 2063.
Công ty Nutifood đã ký hợp đồng tài trợ 9 năm (2016 đến 2024) với mục tiêu đưa Cẩm Hiền trở thành VĐV chuyên nghiệp đặt đẳng cấp quốc tế cho cờ vua VN. Có sự hỗ trợ rất lớn là vậy nhưng sao sức tiến của Cẩm Hiền lại chậm như thế?
Cẩm Hiền dành nhiều thời gian cho việc học văn hóa
Xem lại số giải tính elo của Cẩm Hiền hai năm gần đây là rất ít. Năm 2017, Cẩm Hiền chỉ tham gia trẻ châu Á 2017 (hạng 10, kém 3.5 điểm so với nhà vô địch, bị trừ 18 Elo) và thế giới 2017 (hạng 6, kém 1.5 điểm so với nhà vô địch, hiệu suất thi đấu cũng đạt, elo có tăng gần 90 điểm). Năm 2018 thì Cẩm Hiền chỉ thi đấu đúng một giải trẻ châu Á (hạng nhì, bằng điểm kém chỉ số phụ nhà vô địch, Elo tăng 131 điểm). Năm 2019, Cẩm Hiền lần đầu tham gia giải HDBank nhưng thành tích không tốt khi hiệu suất thi đấu chỉ là 1384.
Trường hợp của Phạm Trần Gia Phúc cũng tương tự Cẩm Hiền. Hiện Gia Phúc đang xếp thứ 33 về Elo lứa tuổi U10 thế giới. Cháu từng gây sốt giới truyền thông vào năm 2017 khi đoạt 5 tấm HCV tại các giải trẻ đủ cả ba cấp độ thế giới, khu vực và châu lục chỉ trong đúng 3 tháng. Năm 2018 Gia Phúc cũng thể hiện lực cờ tốt ở giải HDBank khi tăng 200 Elo sau giải. Nhưng ở giải châu Á tháng 4 lứa tuổi U10, Gia Phúc chỉ xếp hạng 9 chung cuộc, kém 1.5 điểm so với nhà vô địch. Ở giải thế giới tháng 11, Gia Phúc xếp tận hạng 30 chung cuộc, kém 2 điểm so với nhà vô địch. Giải HDBank năm 2019 mới vừa kết thúc, Gia Phúc đạt hiệu suất thi đấu dưới mức Elo ban đầu (1682 so với mức Elo lúc đăng ký giải là 1757).
Gia Phúc tại giải HDBank 2019 - Ảnh: Lâm Minh Châu
Lứa tuổi của những Cẩm Hiền, Gia Phúc là lứa tuổi vàng để phát triển về cờ vua. Nhưng việc chú trọng nhiều vào học văn hóa cũng như các yếu tố khác đã làm cho sức phát triển về cờ của các cháu chậm lại. Hình mẫu như Lê Quang Liêm vừa đảm bảo việc học, vừa có thể tiệm cận trình độ thế giới là rất hiếm. Nên nhớ Quang Liêm cũng từng chật vật mãi mới vượt ngưỡng 2600 khi qua 18 tuổi.
Để giỏi một lĩnh vực nào đó đôi khi phải đánh đổi nhiều thứ. Khi đã xác định được mục tiêu của mình thì phải hy sinh thời gian cho nó. Trở thành một kỳ thủ cờ vua chuyên nghiệp đúng nghĩa đòi hỏi một sự khổ luyện lâu dài, bền bỉ, phải có một tình yêu mãnh liệt với nó thì mới thành công được.
Là các bậc cha mẹ, bạn muốn con bạn sau này như thế nào? Hãy lắng nghe chúng, trao cơ hội cho chúng nếu bạn thấy con bạn có sự đam mê và tập trung.
Văn Tới (bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)